Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, chính sách ưu đãi thuế đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và duy trì vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp FDI, chính sách này không chỉ là yếu tố quyết định mà còn là đòn bẩy giúp tăng cường sức cạnh tranh và phát triển bền vững trên thị trường. Hãy cùng EasyInvoice tìm hiểu về chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI.
1. Doanh nghiệp FDI là gì?
FDI là viết tắt của Foreign Direct Investment (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Theo đó, doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà không phân biệt cụ thể tỷ lệ góp vốn. Phần vốn đầu tư sẽ được sử dụng vào các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp FDI bao gồm 2 loại:
- Doanh nghiệp vốn nước ngoài 100%;
- Doanh nghiệp vốn nước ngoài liên doanh với các tổ chức Việt Nam.
2. Vai trò của doanh nghiệp FDI
Sự tồn tại của các doanh nghiệp FDI có vai trò khá quan trọng trong nền kinh tế chung của cả nước, chẳng hạn một số lợi ích từ doanh nghiệp FDI như:
- Bổ sung nguồn vốn cho việc đầu tư và phát triển kinh tế;
- Đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và năng suất lao động;
- Góp phần vào việc tăng trưởng GDP và các khoản thu ngân sách nhà nước;
- Góp phần nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo nhờ chuyển dịch cơ cấu lao động;
- Nâng cao trình độ công nghệ và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước;
- Tạo ra việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhóm lao động có trình độ phổ thông;
- Mang đến sự cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, góp phần cải thiện bộ máy vận hành, cải tiến công nghệ và nâng cao năng lực kinh doanh;
- Mô hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI khá chuyên nghiệp và hiệu quả, dẫn đến giá trị cộng hưởng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hợp tác kinh doanh.
3. Đặc điểm của doanh nghiệp FDI
Nếu như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn… đều có những điểm đặc trưng của từng loại hình, thì mô hình đầu tư doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng có những điểm riêng biệt, cụ thể:
- Mục đích chính của FDI là tối ưu lợi nhuận cho nhà đầu tư nước ngoài;
- Chủ đầu tư giữ quyền quyết định trong quá trình kinh doanh, sản xuất;
- Nguồn vốn đầu tư FDI thông thường sẽ bị thu hút bởi các quốc gia có nền tảng, hành lang pháp lý chắc chắn, rõ ràng;
- Hầu hết các doanh nghiệp FDI được thành lập mới hoặc mua lại công ty đang hoạt động theo hình thức chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp…
4. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp
Được áp dụng mức thuế suất thấp hơn mức thuế suất thuế thu nhập thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế, các ưu đãi khác theo quy định.
4.1. Ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp
Từ ngày 01/01/2016, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, trừ một số trường hợp chịu mức thuế cao hơn hoặc được hưởng ưu đãi về thuế.
Cụ thể, Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC được sửa đổi tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định thuế suất ưu đãi như sau:
- Thuế suất 10% trong 15 năm
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gồm cả khu công nghệ thông tin tập trung);
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong các lĩnh vực:
+ Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ;
+ Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (theo Luật Công nghệ cao);
+ Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;
+ Đầu tư mạo hiểm để phát triển công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển;
+ Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước; cầu, đường bộ, đường sắt; cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; sân bay, nhà ga và công trình cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng khác do Thủ tướng quyết định;
+ Sản xuất phần mềm;
+ Sản xuất vật liệu composit, vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm;
+ Sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải;
+ Phát triển công nghệ sinh học.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Sản xuất thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, thiết bị quan trắc và phân tích môi trường; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường; thu gom, xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn; tái chế, tái sử dụng chất thải;
– Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khai thác khoáng sản) đáp ứng 01 trong 02 tiêu chí:
+ Có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 03 năm từ khi được phép đầu tư lần đầu và có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu.
+ Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6000 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 03 năm kể từ khi được phép đầu tư lần đầu và sử dụng thường xuyên trên 3.000 lao động chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất (ngoại trừ sản xuất hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, khai thác khoáng sản), có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật Công nghệ cao, Luật Khoa học và Công nghệ, giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 05 năm từ ngày được phép đầu tư.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thỏa mãn một trong các tiêu chí:
+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao;
+ Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: Dệt – may; da – giầy; điện tử – tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà tính đến ngày 01/01/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của EU hoặc tương đương.
- Thuế suất 10% trong suốt thời gian hoạt động
– Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường, giám định tư pháp.
– Phần thu nhập của hoạt động xuất bản của Nhà xuất bản.
– Phần thu nhập từ hoạt động báo in (bao gồm cả quảng cáo trên báo in) của cơ quan báo chí.
– Phần thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; sản xuất, khai thác và tinh chế muối, đầu tư bảo quản nông sản sau thu hoạch, bảo quản nông, thủy sản và thực phẩm.
– Phần thu nhập của hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và địa bàn kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
- Thuế suất 15%
Thu nhập của doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
- Thuế suất 17% trong 10 năm
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới: sản xuất thép cao cấp; sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng; sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; sản xuất thiết bị tưới tiêu, sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; phát triển ngành nghề truyền thống (gồm cả xây dựng, phát triển các ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, các sản phẩm văn hóa).
- Thuế suất 17% trong suốt thời gian hoạt động
Áp dụng đối với Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô.
(Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng hợp tác xã và Tổ chức tài chính vi mô thành lập mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn sau khi hết thời hạn áp dụng thuế suất 10% thì được áp dụng thuế suất 17%)
4.2. Miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp
Căn cứ Điều 20 Thông tư 78/2014 của Bộ Tài chính được sửa đổi tại Thông tư 96/2015:
Miễn thuế 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm nêu tại mục 1.1 bài viết này.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Miễn thuế 04 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 05 năm tiếp theo
Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóa thực hiện tại địa bàn không thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Miễn thuế 02 năm và giảm 50% thuế trong 04 năm tiếp theo
– Thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới được hưởng ưu đãi thuế suất 17% trong 10 năm nêu tại mục 1.1 nêu trên.
– Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại Khu công nghiệp (trừ Khu công nghiệp ở nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc Trung ương, đô thị loại I trực thuộc tỉnh).
4.3 Miễn thuế nhập khẩu
Áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất.
4.4 Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất
Miễn, giảm tiền sử dụng đất
Theo Điều 5 Nghị định số 57/2018, doanh nghiệp có dự án nông nghiệp (đặc biệt ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư và khuyến khích đầu tư) được Nhà nước giao đất hoặc được chuyển mục đích đất để làm nhà ở cho người lao động theo quy định tại Điều 55 Luật Đất đai:
Được miễn tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất được chuyển mục đích để xây dựng nhà ở cho người lao động làm việc tại dự án. Sau đó, được miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đã chuyển đổi.
Miễn, giảm tiền thuê đất
Miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Theo Điều 10 Thông tư 153/2011/TT-BTC, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với:
– Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư (đặc biệt ưu đãi đầu tư); dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội (KT-XH) đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư (ưu đãi đầu tư) tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng trên 50% số lao động là thương binh, bệnh binh.
– Đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.
Điều 11 Thông tư này cũng quy định giảm 50% số thuế sử dụng đất đối với:
– Đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đất của doanh nghiệp sử dụng từ 20% – 50% lao động là thương binh, bệnh binh.
Trên đây EasyInvoice đã cung cấp thông tin về “Chính Sách Ưu Đãi Thuế Cho Doanh Nghiệp FDI“. Hy vọng những thông tin trên hữu ích với quý bạn đọc.
Để được tư vấn và hỗ trợ vui lòng liên hệ hotline: 096.426.3333 hoặc 0915.873.088 |
Kinh doanh: 0357.16.2222 hoặc 0888.16.26.56 |